Bạn Nên Làm Gì Với Bộ Bài Tarot/Oracle Mới Mua
Mỗi bộ bài Tarot/Oracle đều ẩn chứa những điều kỳ lạ và thú vị, đó có thể là một thông điệp, một câu chuyện hoặc một thế giới mới dành riêng cho bạn. Khi sử dụng Tarot/Oracle, ngoài việc nắm vững kiến thức về bài tiên tri, chúng ta cũng cần có sự kết nối với bộ bài của mình để có thể hiểu thấu những thông điệp hay bước vào thế giới của bộ bài.
Hầu hết những người có kinh nghiệm trong việc sử dụng Tarot/Oracle đều khuyến khích bạn nên làm quen với bộ bài mới trước khi đi vào sử dụng nhằm tăng sự kết nối giữa bạn và các lá bài. Và dù cho bạn mua bài lần đầu tiên hay đã có cả một bộ sưu tập “siêu to khổng lồ” thì việc “bắt tay chào hỏi” với người bạn mới này vẫn là một chuyện hết sức cần thiết. Nếu bạn đang loay hoay xem bạn nên làm gì với bộ bài Tarot/Oracle mới mua thì gợi ý dưới đây sẽ hữu ích cho bạn đấy!
Bước 1 – “Tiếp xúc” với bộ bài.
Muốn tiếp xúc với bộ bài theo đúng nghĩa đen thì bước đầu tiên tất nhiên phải là tháo lớp bao bì bên ngoài rồi đúng không nào? Một số bộ bài của các nhà xuất bản quen thuộc như U.S Games, Llewellyn hay Lo Scarabeo đều có một lớp bọc bằng nilon ở ngoài vỏ hộp và một lớp nữa để bao bọc bộ bài bên trong. Các bạn có thể chọn gỡ hết hai lớp này hoặc dùng dao rọc theo nắp hộp bài nhằm lấy bộ bài ra mà không cần phải tháo hết lớp nilon bên ngoài. Cách này sẽ giúp bạn bảo quản chiếc hộp lâu hơn và sạch sẽ hơn.
Đối với những bộ bài do tác giả tự xuất bản thường sẽ không có lớp nilon bảo vệ. Bạn chỉ cần mở hộp bài ra là đã có thể “tiếp xúc” được với em ấy rồi.
Bước 2 – Tìm hiểu thông tin về bộ bài.
Bạn có thể tìm hiểu thông tin về bộ bài trên các trang bán và review bài Tarot Aeclectic.net hoặc Mystichouse.vn. Ở các trang này bạn không những được xem qua một số lá bài mà còn nắm được thông tin về chủ đề, số lá bài và cả những cảm nhận về bộ bài nữa.
Cách để bạn tìm hiểu bộ bài một cách sâu sát nhất là dựa vào sách hướng dẫn của bộ bài. Tùy theo từng nhà xuất bản và từng tựa bài mà mỗi bộ Tarot/Oracle sẽ có quyển sách hướng dẫn lớn đi kèm theo bộ bài hoặc bạn phải mua sách riêng. Đôi khi, tài liệu hướng dẫn chỉ là một quyển sách nhỏ màu trắng ghi lại từ khóa của các lá bài được gọi là booklet hay LWB (Little White Book). Việc đọc những quyển hướng dẫn này sẽ giúp cho bạn hiểu thêm về ý tưởng và tâm ý của tác giả đối với bộ bài. Hơn nữa, trong sách còn có cả chú giải về hình ảnh cũng như là ý nghĩa của từng lá bài để bạn có thể nắm bắt bộ bài một cách trọn vẹn. Tuy nhiên bạn đừng vội đọc giải nghĩa các lá bài trước khi thực hiện bước thứ 3 nhé!
Bước 3 – Khám phá hình ảnh.
Sau khi tìm hiểu về chủ đề và tác giả, chúng ta sẽ xem qua từng lá bài, nhìn ngắm, cảm nhận hình ảnh và màu sắc của chúng. Trong quyển sách hướng dẫn của bộ Shadowscape Tarot, tác giả Barbara Moore – một tác giả nổi tiếng với việc viết sách cho hàng chục bộ Tarot – cho chúng ta một mẹo nhỏ để xem hình ảnh lá bài một cách hiệu quả như sau:
“Cầm bộ bài của bạn và xào nó đi nào – không xào cũng không sao cả, miễn là bạn thích – nhắm mắt lại nào, và chọn một lá bài bất kì. […] Đừng quan tâm đến tên lá bài hay con số trên ấy và hãy cứ nhìn vào hình ảnh thôi. Thưởng thức nó đi nào. Hãy vui đùa với những hình ảnh tuy phức tạp nhưng lại rất đơn giản của nó. Nhìn vào lá bài một thời gian đủ lâu để bạn có vẫn có thể nhìn thấy lá bài ngay cả khi nhắm mắt lại. Sau đó thì nhắm mắt lại, vẫn nhìn lá bài (bằng trí nhớ của bạn – ND). Hãy bước vào trong hình ảnh đó, Tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy như thế nào, nghe thấy những gì. Trải nghiệm nó đi. Nếu bạn muốn phiêu lưu, hãy tương tác với một nhân vật ở đó. Khi bạn thấy đủ rồi thì hãy quay lại với quyển sách nào.” – Barbara Moore, Shadowscape Tarot –
Trải nghiệm hình ảnh với trực giác của mình có thể giúp bạn tìm kiếm những ý nghĩa cá nhân đối với hình ảnh của bộ bài. Sau đó đọc lại mô tả của tác giả trong sách hướng dẫn sẽ giúp bạn khai thác được trọn vẹn ý nghĩa của bộ bài.
Bước 4 – Cá nhân hóa bộ bài của mình
Giả sử bạn vừa mua một bộ Whispers of Love Oracle và bạn phát hiện ra đứa bạn của mình cũng có một bộ tương tự, làm sao để bạn và bạn ấy có thể phân biệt được hai bộ bài khi đặt cạnh nhau đây?
Đặt cho bộ bài của mình một cái tên thân mật, tô cạnh các lá bài, tìm một chiếc túi xinh xắn để cất bộ bài hay làm hẳn một chiếc hộp mới cũng là những cách hay để bạn cá nhân hóa bộ bài của mình. Tạo ra nét riêng để bộ bài của bạn nổi bật hơn giữa muôn ngàn bộ bài cùng tựa khác cũng sẽ mang cho bạn cảm giác gần gũi hơn với người bạn đồng hành của mình.
Người xưa có câu “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, ở đây bạn cũng có thể cá nhân hóa bộ bài mới bằng việc hòa nhập nguồn năng lượng của bạn và bộ bài. Xào bài và cảm nhận nguồn năng lượng của bộ bài là một cách hay để bạn thực hiện việc chuyển hóa năng lượng của cả hai, nó giống như cái bắt tay thể hiện thiện chí giữa hai người mới gặp nhau vậy.
Bước 5 – Trò chuyện cùng bộ bài
Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng lại rất thuyết phục vì chúng ta có thể thông qua việc trải bài để trò chuyện với bộ bài của mình. Đối với bộ Tarot/Oracle mới, bạn có thể sử dụng trải bài phỏng vấn để làm quen với người bạn này. Tham khảo thêm Trải bài phỏng vấn bộ bài mới
Sau khi trải bài xong, bạn có thể đọc sách hướng dẫn để giải nghĩa. Việc này vừa giúp bạn làm quen với việc đọc nghĩa lá bài, vừa tạo tương tác cho bạn với hình ảnh của bộ bài mới mà cũng vừa mang đến cho bạn một số thông tin thú vị về bộ bài mà không có bất kỳ ai có thể cung cấp được ngoài chính bản thân bạn.
Không có cách nào đúng hay sai trong việc bạn nên làm gì với bộ bài Tarot/Oracle mới mua cả. Bạn vẫn có thể làm quen với bộ bài theo một cách của riêng bạn, miễn là bạn cảm thấy thoải mái và hiệu quả là được. Bây giờ thì bạn có thể vận dụng kiến thức về Tarot/Oracle để xem bài mà không cần phải băn khoăn xem mình có kết nối được với bộ bài hay không rồi đấy.
Phan Huỳnh Ngọc Trúc