Chia Sẻ Kinh Nghiệm Cá Nhân Khi Sử Dụng Bài Tarot – Oracle
Chia Sẻ Kinh Nghiệm Cá Nhân Khi Sử Dụng Bài Tarot – Oracle
Việc sử dụng bài Tarot – Oracle hay những thể loại tiên tri khác như Lenormand, Kipper, I Ching đều phụ thuộc vào trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Cho dù bạn tiếp cận chúng theo cách nào đi chăng nữa, hãy hiểu kết quả mà bạn nhận được sẽ là gì. Hiểu ý nghĩa của các lá bài hơn, đúc kết được kinh nghiệm quý báu trong việc đọc bài – tìm hiểu các kiến thức về huyền học, biểu tượng, văn hoá và lịch sử, hay là giỏi hơn trong việc nắm bắt tâm lý người khác,… rõ ràng sau khi học Tarot, chúng ta đều trau dồi thêm cho mình nhiều kỹ năng hơn đúng không nào?
Trong bài viết này, mình muốn đưa ra cho các bạn mới tiếp cận Tarot hoặc đã tiếp cận từ lâu nhưng vẫn còn một số điều bỡ ngỡ như thuở mới học nắm rõ những cách thức, trải nghiệm học tập Tarot và những bộ bài khác như thế nào. Vì đây là bài viết mang trải nghiệm cá nhân nên có thể sẽ có một số ý không phù hợp với quan điểm của bạn (niềm tin khác, tư duy khác, định hướng khác). Hãy xem bài viết này như một cuốn cẩm nang thu nhỏ để bạn hiểu rõ hành trình đến với việc học tập Tarot như thế nào. Từ đó bạn sẽ đúc kết được những hành trang nhất định, và biết đâu cách mình học lại đúng và phù hợp với các bạn thì sao.
I/ Kinh nghiệm khi sử dụng bài Tarot
- Đừng nhảy vào tìm hiểu quá nhiều kiến thức
Theo góc nhìn của mình, khi bạn mới bắt đầu tiếp cận Tarot, việc đầu tiên bạn nên làm đó là chỉ nên đọc qua các từ khóa của từng lá bài. Hồi trước khi mới bắt đầu học Tarot, tài liệu rất ít cộng thêm việc khan hiếm cộng đồng những bạn sử dụng Tarot nên hầu hết mình đều tự học nhưng không phải là đọc sách, mà là tìm kiếm ý nghĩa sơ bộ của Tarot. Bạn có thể hiểu “ý nghĩa sơ bộ” là gồm từ khóa, một số diễn giải đơn giản, và tốt nhất là nên hạn chế đọc sách chuyên ngành quá sớm.
Thật ra mình không bài xích việc các bạn mới sử dụng đọc sách, việc đọc sách luôn được khuyến khích trong học tập cho dù bạn có gặt hái được nhiều kiến thức hay không, và mình cũng mong rằng những bạn thật sự phù hợp với việc đọc sách (chăm đọc, thích nghiên cứu sách,…) vẫn nên trang bị đầy đủ sách cần thiết để học. Tuy nhiên, không phải ai cũng siêng đọc sách và mình cũng hiểu được vấn đề không nên ép bản thân phải “đọc” khi chưa sẵn sàng.
Đối với thời điểm này, mình khuyến khích chỉ nên đọc qua các từ khóa vì những lý do sau:
- Đọc quá nhiều kiến thức chuyên ngành hay những thông tin mang tính “quá nhiều chữ” nhưng lại không hiểu trọng tâm ở đây là gì.
- Đọc sách nhiều nhưng ít thực hành chỉ có thể hiểu kiến thức ở bề nổi, vì giải bài sẽ còn xuất hiện nhiều vấn đề khác.
- Từ khóa sẽ định hình cảm nhận đầu tiên trong một lá bài. Từ đó bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc phát triển các thông tin khác, tự ngâm cứu và suy luận một cách có cơ sở.
- Hiểu từ khóa sẽ giống như học từ vựng trong môn Tiếng Anh, bạn đọc và áp dụng được từ khóa đó trong hoàn cảnh nào, ghép chúng lại với nhau ra sao, và khi nào thì từ khóa đó sẽ ứng với trải bài hiện tại.
Kết luận lại, mình nghĩ tự ép bản thân phải học kiến thức A hay đọc sách B trong khi cảm hứng chưa đủ, bản thân lại không giỏi trong việc tìm hiểu, chắt lọc thông tin đúng, khởi đầu quá mới mẻ nên bị thiếu nhiều khả năng như không thể nắm bắt tâm lý Querent (người được xem bài, khách hàng), không có đủ trải nghiệm về các vấn đề khi xem bài (chưa đủ tuổi để hiểu rõ, chưa trải qua khó khăn của Querent), hoặc chỉ thuần là đọc bài chứ không biết đưa ra định hướng, giải quyết ổn thỏa về mọi mặt.
Chính vì vậy, mình cảm thấy nhồi nhét quá nhiều kiến thức có thể làm bạn bỏ qua những trải nghiệm khác. Đọc sách, tìm tòi thông tin thôi vẫn chưa đủ, bạn cần phải thực hành thật nhiều, hoặc phải là người có đủ trải nghiệm (ở đây thường dành cho người đủ tuổi trưởng thành và muốn học Tarot, xu hướng sẽ nắm bắt nhanh hơn do có đủ trải nghiệm) thì khi tiếp nhận những kiến thức từ sách, bạn sẽ biết được đâu là thông tin phù hợp với mình.
- Nên bắt đầu thực hành từ sớm, giải theo cách hiểu cá nhân
Mình nghĩ có thể ý kiến này sẽ có nhiều bạn bảo rằng: “Chời ơi mới vào đâu biết gì đâu mà giải bài?”, “Không hiểu gì sao mà giải?”. Nếu cứ mãi nghĩ vậy thì sẽ rất khó để bạn biết được khi nào bạn mới “biết” hay “sẵn sàng” để giải bài. Thông thường thì mình vẫn khuyến khích “cứ rút bài đi, đừng ngại ngùng”, đơn giản là vì khi bạn không biết chúng có ý nghĩa gì, bạn cần phải rút bài cho một vấn đề cụ thể, khi đó bạn mới biết được lá bài đó đang tập trung ở ý nghĩa nào.
Sẽ có rất nhiều cách để bạn “chưa biết quá nhiều về Tarot” thực hành:
- Rút một lá bài mỗi ngày và tập giải từ từ: việc này sẽ giúp bạn hiểu được lá bài bạn nhận được có ý nghĩa gì. Nó có thể là đại diện cho một sự kiện sẽ diễn ra trong ngày hôm đó, một thông điệp mà bạn cần để tâm.
- Giải bài cho những vấn đề của bản thân: việc này sẽ giúp bạn học cách nhận biết từ khóa, liên kết từ khóa, liên kết thông điệp. Bạn có thể chọn giải bài 3 lá là tốt nhất, nếu chọn những trải bài quá khó thì cần ghi chép lại từ từ.
- Giải bài cho người khác: việc này là một việc cần thiết mà ai mới bắt đầu cũng nên làm, đơn giản là vì bạn sẽ được nhìn nhận ý nghĩa của các lá bài thông qua câu chuyện của người khác.
Trong lúc giải bài, bạn hoàn toàn có quyền xem sách giải nhiều lần nhưng phải đảm bảo thuộc từ khóa hay ý nghĩa của lá bài về sau. Thời gian đầu do không biết gì nên phải cần một quyển sách chứa ý nghĩa đơn giản/từ khóa bên cạnh, đó là điều chắc chắn nên có, hoặc bạn có thể tự viết ra một cuốn sổ chứa những thông tin cần thiết, tiện việc đem theo để mở ra xem. Xem sách thời gian đầu sẽ giúp bạn từ từ liên kết các vấn đề lại, và hãy chắc chắn rằng về sau này đừng giải bài phụ thuộc quá nhiều vào sách nhé.
Có lẽ, nhiều bạn vẫn còn ngại bản thân sẽ giải không đúng, giải trật lất không vào trọng tâm vấn đề hoặc không thể giúp được người ta sau trải bài của mình. Hãy nhớ rằng, khởi đầu luôn luôn có sai sót, giống như việc học chính tả ở cấp 1 vậy, bạn chắc chắn sẽ viết không đẹp/viết sai chữ, nhưng không lẽ vì thế mà bản thân lại trốn tránh việc đó, rồi không dám học nữa? Một khi đã học thì phải luôn thực hành, luôn có các nước đi sai, và sau đó bạn sẽ nhìn nhận xem bạn đã sai chỗ nào để sửa lại cho đúng.
Với lại, việc giải bài cũng cần được rèn luyện một thời gian. Nếu bạn là người mới bắt đầu và chưa biết gì, giải bài cho bản thân hoặc cho người khác sẽ nâng cao nhiều khả năng như thấu cảm, nhìn nhận khách quan, giao tiếp tốt hay vững tâm lý để tiếp nhận, giải quyết các vấn đề của người khác. Việc bạn thực hành sớm sẽ giúp bạn đối mặt được hầu hết những vấn đề luôn diễn ra trong khi đọc bài, đồng thời nâng cao khả năng của bạn trong việc phân tích vấn đề.
- Luôn luôn ghi chép, thiết lập một cuốn sổ tay cá nhân
Nếu bạn lười ghi chép thì có thể bạn tự tạo nên phương pháp học tập riêng và điều đó vẫn hiệu quả, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên trước giờ mình vẫn cảm thấy việc ghi chép luôn là điều cần thiết và hầu như là bắt buộc trong mọi quá trình học tập, kể cả đó là nghiên cứu Tarot đi chăng nữa. Ngoài ra, có một cuốn sổ tay chứa đựng những kiến thức mà bản thân đã học được, mang theo chúng bên mình cũng là một trong những điều mình cực kỳ khuyến khích nên có.
Hãy tưởng tượng đến cảnh bạn sở hữu một quyển số đầy ắp những kiến thức bạn đã học qua, tự phát triển khả năng của mình thông qua sự sáng tạo trong việc trang trí quyển sổ thật đẹp, viết những lời hay ý đẹp hay kể về những trải nghiệm trong việc đọc bài cho khách hàng, giải đáp chuyện tình cảm của đứa bạn, và đôi lúc trong quyển sổ đó còn đúc kết lại những bài học mà bạn cần lưu ý. Có một quyển sổ trong tay như thế thì kiểu gì cũng sớm thành thạo thôi!
Vấn đề của việc ghi chép trong sổ tay đó là chúng ta sẽ ghi chép điều gì trong sổ? Sau, đây, mình sẽ liệt kê một số điều mà bạn cần ghi chép lại trong quá trình học Tarot:
- Những sự kiện tiên tri: nếu ngày/tuần/tháng đó có những sự kiện nào diễn ra, hãy ghi lại vào sổ rồi kiểm chứng thông điệp từ lá bài bạn nhận được vào thời điểm đó. Chỗ nào giải đúng/sai so với sự kiện thì ghi lại để về sau suy xét trường hợp đúng hơn.
- Những lời khuyên/thông điệp: việc ghi chú thông điệp sẽ nuôi dưỡng tâm hồn bạn mỗi ngày, bạn sẽ được đọc đi đọc lại điều tích cực nhất mà bạn đang tự dành cho bạn, để ổn định tinh thần và xoa dịu cảm xúc.
- Giải trải bài của bản thân: nếu bạn sử dụng những trải bài lớn (nhiều lá bài hoặc trải Celtic Cross), bạn BUỘC phải ghi lại tất cả những lời giải và cách bạn liên kết những lá bài lại vào sổ. Một cách nào đó, mọi thứ trong trải bài sẽ từ từ diễn ra theo thời gian, ghi chép để bạn kiểm chứng lại nhanh hơn.
- Giải trải bài của khách hàng: một cách nâng tầm học thuật của bản thân chính là để khách hàng feedback lại những gì mình đã xem, việc ghi lại trong sổ bạn đã xem thấy những gì rồi so sánh với cách khách hàng feedback sẽ hiểu được bạn đã giải bài đúng/thiếu sót chỗ nào.
- Cảm nhận riêng về các lá bài: việc này không bắt buộc bạn phải ghi chép nhưng nếu bạn có những ý tưởng hay góc nhìn nào khác so với ý nghĩa thông thường, bạn có thể ghi lại. Vì bộ bài của bạn sử dụng sẽ phụ thuộc vào trải nghiệm của bạn, biết đâu lá bài đó lại đem đến cho bạn một ý nghĩa khác thì sao? Việc viết lại cảm nhận riêng sẽ khai thác khả năng sáng tạo của bạn trong việc đọc bài.
- Tự thiết kế trải bài: việc này không bắt buộc bạn phải ghi chép do nó thuộc về sở trường cá nhân, việc tự sáng tạo hay thiết kế trải bài riêng không hẳn là đơn giản. Tuy nhiên, nếu một lúc nào đó bạn có hứng thú với việc này, bạn có thể thử thực hiện nó, đảm bảo sẽ rất vui và thú vị đấy!
Nếu bạn không giỏi trong việc thành văn, hãy ghi những từ khóa hoặc bất cứ ghi chú nào đơn giản, ngắn gọn cũng được, miễn là bạn hiểu bạn đang viết gì. Còn nếu bạn giỏi trong việc thiết kế thì bạn có thể trang trí cho quyển sổ của mình, bạn có thể vẽ các sơ đồ tư duy cho các lá bài, trải bài. Có rất nhiều cách để thiết lập một quyển sổ tay học tập riêng, việc này luôn luôn được khuyến khích và mình cũng mong rằng nhờ vào quyển sổ này, bạn vừa có thể lưu trữ kiến thức, vừa có thời gian để ngồi đọc lại, chiêm nghiệm, đúc kết kiến thức cho riêng mình.
- Xây dựng hình tượng, cá tính riêng
Bạn có nhận ra được màu sắc của mình là gì khi đọc bài không? Một Tarot Reader mang vẻ ngoài huyền bí, lặng thầm, đen tối hay là một Tarot Reader dịu dàng, đáng yêu và tinh tế? Một hình tượng riêng riêng cần được hình thành trong lúc bạn phát triển bản thân thông qua Tarot, và việc có được một nhân dạng sẽ giúp bạn định hình rõ hướng đi của bạn trong Tarot hơn, không bị lẫn lộn các khái niệm hay danh xưng.
Hiện tại cũng có khá nhiều bạn “nghĩ đơn giản” rằng chỉ cần có bộ bài trong tay (mặc dù chưa học nhiều hay sử dụng bao nhiêu) là đã có thể tự đặt cho bản thân với nhiều danh xưng cực kỳ “cao cấp” và “mỹ miều” như Người Chữa Lành (Healer), Người Vận Hành Ánh Sáng (Lightworker), Phù Thủy Trắng (White Witch), Thầy Đồng (Shaman),… và còn nhiều danh xưng khác nữa. Điều này vô tình khiến bạn tự “thần thánh hóa” bản thân trong khi nhiệm vụ của bạn chính là đọc bài, giải quyết vấn đề cho người khác mà có thể việc đó bạn còn làm chưa xong. Tự nhận bản thân là Healer nhưng tâm lại sân si với người khác hay tự nhận là White Witch nhưng các thuyết về vận dụng năng lượng tự nhiên còn không có thì rõ ràng danh xưng ấy đang khiến bạn bị ảo tưởng nặng rồi!
Bạn thấy đó, xây dựng hình tượng riêng sẽ cho bạn biết được điểm mạnh/điểm hạn chế của bạn trong lúc đọc bài là gì, đối tượng khách hàng nào sẽ thường tìm kiếm đến bạn, bạn có thể xem được hay giỏi nhất trong những khía cạnh nào,… hình tượng của bạn sẽ được hình thành theo 2 dạng: hình thành dựa trên bản chất cá nhân hoặc hình thành dựa trên cách tự chuyển hóa bản thân vào khuôn khổ tương ứng. Nếu chúng được hình thành dựa trên bản chất cá nhân, bạn sẽ dễ dàng thúc đẩy tiềm năng của mình tiến xa hơn nhưng đôi lúc bạn sẽ dễ đặt cảm xúc cá nhân của bản thân lên hàng đầu, nên sẽ dẫn đến trường hợp đọc bài theo góc nhìn cá nhân quá nhiều. Nếu chúng được hình thành thông qua sự chuyển hóa bản thân, bạn sẽ vững vàng để giữ vững cá tính của mình nhưng nó lại khiến tình trạng dễ thay đổi về sau sẽ xảy ra, cá tính không đủ ổn định.
Sau đây là một số hình tượng phổ biến của Tarot Reader mà mình đã từng gặp qua hoặc tìm hiểu được từ các trang nước ngoài:
- Tarot Badass: những Tarot Reader này thường có phong cách đọc bài rất “anh đại chị đại” – phóng thoáng, thoải mái, sẵn sàng nói những câu vừa nặng vừa thật nhưng đảm bảo giúp bạn tỉnh táo nhận thức mạnh mẽ một cách hoàn toàn dứt khoát. Phong cách này phù hợp với những bạn không ngại trong việc dùng một số ngôn từ mạnh bạo và những châm ngôn cục súc (mạnh bạo không phải là chửi thề nói tục mà là dùng những từ ngữ thẳng thừng đến mức đâm trúng ngay tim đen).
- Tarot Mystic: những Tarot Reader này thường có phong cách đọc bài rõ ràng, thành thật, có gì nói đó, thường kết hợp nhiều khả năng khác cùng lúc để trải bài thêm phong phú (vừa tiên tri, vừa phân tích, vừa định hướng). Đây là phong cách đại chúng mà hiện tại nhiều bạn đang theo, và chúng cũng cực kỳ phù hợp với hầu hết tất cả mọi người.
- Tarot Healing: những Tarot Reader này thường có phong cách đọc bài nhẹ nhàng, tinh tế, hướng đến việc chữa lành cho mọi người thông qua lời nói, cách nghi thức (dùng xô thơm, đá thanh tẩy, nến, phương pháp trị liệu tâm lý). Thường thì phong cách này dành cho những ai đủ trải nghiệm hoặc rất giỏi trong nhiều lĩnh vực về tâm lý, giao tiếp, thấu cảm, giỏi quan sát,… hầu như nhiều bạn sẽ thích trở thành Tarot Healing nhưng thực tế để trở thành một người chữa lành cần phải nhiều khả năng hơn là đọc bài thông thường.
- Tarot Fortune Telling: những Tarot Reader này thường có phong cách đọc bài ngắn gọn nhưng tập trung hẳn vào khía cạnh tiên tri, nói lên những điều mà không phải ai cũng có thể biết. Phong cách này phù hợp với những bạn thích tập trung hoàn toàn vào mảng tiên tri, giải đáp các khía cạnh cao siêu mang tính dự đoán xa, ít tập trung vào khía cạnh giao tiếp mà chỉ tập trung vào hiệu quả của lời giải (nói đúng về tương lai, nói những điều mà người khác cần dè chừng)
Bạn cũng có thể tìm kiếm cá tính, hình tượng riêng của mình thông qua các cách sau:
- Tính cách khi trở thành một Tarot Reader: điều này phụ thuộc vào tính cách cá nhân của bạn hoặc là những thay đổi tích cực sau khi bạn sử dụng bài Tarot. Thường thì đây là hình tượng được khuyến khích vì nó phản ánh đúng cách bạn thể hiện quan điểm sống thông qua bộ bài.
- Dựa vào khía cạnh bạn xem giỏi nhất: có những bạn sẽ tìm được danh xưng, cá tính của mình thông qua việc bạn giỏi xem vấn đề nào nhất. Nếu bạn xem giỏi về khía cạnh tình yêu, bạn có thể sử dụng một danh xưng nào đó khẳng định rằng bạn thật sự xem chuyên về tình cảm và các mối quan hệ.
- Dựa vào bộ bài bạn đang sử dụng: nếu một bộ bài nào đó tạo nên hình ảnh hay thương hiệu của bạn, điều đó cũng có thể được hình thành nên danh xưng, cá tính của bạn. Nếu bạn thích sử dụng những bộ bài về mèo, bạn có thể lấy nghệ danh liên quan đến mèo hoặc cá tính của bạn có xu hướng giống với chủ đề mà bộ bài hướng đến (nếu là mèo thì có thể là cách đọc bài rất dịu dàng, đáng yêu từ giọng nói cho đến cách giao tiếp).
Tóm lại, hình tượng riêng rất quan trọng, do chúng quyết định đến hình ảnh xã hội của bạn khi chọn trở thành một Tarot Reader. Mình khuyến khích các bạn nên thử tạo cho mình một nghệ danh để có thể gần gũi hơn với khách hàng của mình, tạo nên sự nhận diện hình ảnh cá nhân. Trong trường hợp bạn không thích nghệ danh nào mà chỉ muốn trở thành một Tarot Reader bình thường (ở trường hợp này có thể là bạn chỉ muốn đọc bài cho bản thân, hay không có ý định mở rộng thêm kiến thức mà chỉ tập trung sử dụng, nghiên cứu Tarot) thì việc thiết lập danh xưng cũng không mấy quan trọng. Cơ bản là khi có danh xưng, bạn sẽ dễ dàng đặt bản thân vào một khuôn khổ của sự phát triển đúng hướng bạn muốn hơn!
II/ Kinh nghiệm khi sử dụng bài Oracle
- Chăm đọc sách hướng dẫn, thật ra thì không còn cách nào khác đâu!
Thời gian đầu học sử dụng bài Oracle, khi mà bài Oracle vẫn chưa đủ phổ biến để mọi người nhận thức rõ về thông điệp của chúng, thì bạn sẽ rất dễ nản vì cảm giác giống như không tìm được một nơi/cộng đồng/người bạn nào có cùng sở thích để chia sẻ, hướng dẫn mình mà gần như phải tự bơi hoàn toàn. May mắn thay là hiện tại, nhiều bộ bài Oracle đơn giản đã dần xuất hiện khiến cho việc sử dụng dần trở nên thoải mái hơn.
Theo mình, việc đọc sách hướng dẫn dành cho từng bộ bài Oracle khi mới bắt đầu học là điều quan trọng và không còn một cách nào khác để thay thế việc này cả. Nếu bạn đã từng sử dụng Tarot thì không hẳn là bạn sẽ sử dụng giỏi bài Oracle do hầu hết các bộ bài Oracle đều khác nhau về mặt thông điệp, cách dùng, mục đích,… rõ ràng là bài Oracle khó có nền tảng cố định như Tarot do bản chất của bài Oracle là sự tự do, thoải mái trong việc sáng tạo. Nếu muốn tìm hiểu mục đích sử dụng mà bộ bài Oracle đó đem lại, hãy đọc sách, nếu muốn biết ý nghĩa của từng lá bài, hãy đọc sách, nếu muốn biết các trải bài dành cho bộ bài Oracle đó, hãy đọc sách!
Nếu bạn là người gặp vấn đề về hạn chế ngôn ngữ (không giỏi tiếng anh là điển hình) thì việc bạn học sử dụng bài Oracle vào thời gian đầu sẽ cực kỳ khó khăn, đồng thời chúng cũng kìm hãm bạn vượt qua những giới hạn thông thường. Một phần là vì bài Oracle cần khả năng sáng tạo, vận dụng trực giác tốt để tư duy các lá bài sao cho đúng khuôn khổ trong sách, mà một khi bạn đã không thể đọc sách thì đó đã là một rào cản của bạn rồi. Trong trường hợp này, bạn nên sử dụng những bộ bài Oracle cực kỳ đơn giản (ví dụ như Angel Answers Oracle Cards, hiểu sơ là đã có thể sử dụng được) hoặc những bộ có sẵn thông điệp trên lá bài (đôi lúc không cần đọc sách thêm cũng hiểu vì trên lá bài có sẵn hết rồi).
Đọc sách là cách duy nhất để bạn hiểu rõ bộ bài Oracle có thể đem đến cho bạn những thông điệp gì, mục đích sử dụng là như thế nào. Trong một trường hợp khác, có những bộ bài không có sách là gì tác giả cảm thấy ý nghĩa trên lá bài đã đủ dễ hiểu rồi, và bạn có thể chắc chắn rằng những bộ bài đó sẽ dễ dàng trong việc học hơn do thông điệp có ghi sẵn trên lá bài, chỉ cần đọc hiểu là tìm ra lời giải. Các đầu sách riêng viết về bài Oracle cũng không nhiều nên bạn chỉ có thể đọc sách thông qua bộ bài bạn sử dụng và bạn cũng có quyền lựa chọn nên sử dụng bộ bài nào phù hợp với mình để dễ đọc sách.
Khi đọc sách hướng dẫn bài Oracle, bạn có thể để ý đến những nội dung sau để chọn lọc đọc cho dễ, đồng thời biết rõ bản thân nên đọc những gì cần thiết nhất cho mình:
- Đọc phần nội dung chính của bộ bài: thường thì phần này sẽ nằm ở đầu cuốn sách, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy. Bạn nên đọc sơ sơ nội dung này vì nếu bạn nắm rõ cách thức cũng như nội dung mà bộ bài muốn truyền đạt cho bạn, bạn sẽ dễ đặt câu hỏi hoặc giải thông điệp dựa trên mục đích mà bộ bài mang đến.
- Đọc sơ qua ý nghĩa lá bài rồi lọc từ khóa: đây là phương pháp khá khó đối với những bộ bài Oracle viết quá nhiều đoạn văn. Thật may vì hiện tại, bài Oracle đơn giản xuất hiện ngày một nhiều hơn nên bạn có thể đọc sơ sơ qua các đoạn ý nghĩa rồi đúc kết từ khóa dành cho mình.
- Đọc những câu chân ngôn (nếu có): nếu bộ bài có câu chân ngôn (những câu mang tính khích lệ tinh thần hoặc một câu thơ, lời khuyên ngắn gọn), bạn nên đọc trọng tâm vào câu này trước. Một cách nào đó, đọc câu này sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề nhanh hơn.
- Đọc phân đoạn diễn giải ngắn gọn nhất: nếu trong sách hướng dẫn có nhiều đoạn văn hơn bình thường, hãy chọn lấy một đoạn ngắn nhất để đọc. Vì thường đoạn ngắn nhất sẽ là đoạn tóm gọn ý nhất, dễ đọc nhất và ít thông tin ngoài lề nhất.
- Đọc vào khúc bạn bị thu hút nhất: việc này phụ thuộc vào trực giác của bạn mách bảo nhiều hơn. Trong lúc đang dò sách, bạn có thể sẽ có cảm giác một phân đoạn nào đó rất thu hút bạn. Khi đó, hãy thử chỉ đọc đoạn đó thôi, vì có thể đoạn đó chứa thông điệp bạn cần đấy! Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp với những bộ bài Oracle có sách hướng dẫn viết rất dài.
- Tự sáng tạo theo cách bạn muốn, miễn là nó phù hợp
Nếu bạn đã đọc qua sách hướng dẫn rồi mà vẫn chưa đủ “thấm” hay sách hướng dẫn có phần “khó nuốt” quá đối với bạn, bài Oracle hoàn toàn cho phép bạn tự do sáng tạo theo cách bạn muốn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể tự rút bài, tự giải theo sự hiểu biết ý nghĩa của bạn, dù ít hay nhiều thì bạn vẫn cần phải tự mình giải bài, nếu đã thử giải thì mới biết mà từ từ kiểm chứng được những gì mình từng giải đúng hay sai.
Việc này sẽ đơn giản đối với những bộ bài đã có sẵn thông điệp trên lá bài, việc bạn đọc thông tin có sẵn rồi tự giải đáp theo góc nhìn cá nhân của bạn sẽ giải đáp được gần như đúng đến 90%. Tuy nhiên, với một số bộ thiên về khai thác ý nghĩa thông qua nội dung sách thì việc tự sáng tạo phải có cơ sở – tức là bạn phải đọc qua sách trước, sau đó bạn tự học, tự giải và tự đưa ra những nhận định riêng của mình cho lá bài đó (cần kiểm chứng theo thời gian để xét tính đúng đắn).
Việc sáng tạo sẽ đi sai hướng khi bạn chọn giải thích kiến thức cũng như thông điệp của lá bài đi quá xa hoặc mang nhiều thông tin lệch lạc. Sáng tạo theo cách bạn hiểu là một chuyện, sáng tạo theo cách thức người ta đã đưa sẵn lại là một chuyện khác. Sau tất cả, bước đọc sách hướng dẫn lẫn luôn là bước quan trọng mà cho dù bạn không muốn đọc thì cũng phải xem qua để bản thân có thể hiểu lá bài một cách sơ bộ, sau đó mới đủ điều kiện để phát triển khả năng sáng tạo.
Bạn có thể sáng tạo ý nghĩa của bài Oracle theo cách sau:
- Tự mình kể ra một câu chuyện thông qua lá bài Oracle: phát triển câu chuyện thông qua các lá bài Oracle là phương pháp đơn giản nhất, giúp bạn tăng khả năng tưởng tượng, hình dung được hoàn cảnh của vấn đề, đồng thời đem đến cho bạn góc nhìn vừa cũ nhưng cũng vừa mới mẻ, khác lạ để bạn có thể sáng tạo nó theo cách riêng của mình.
- Chọn một hoàn cảnh thực tế ứng với lá bài Oracle: lá bài đó làm bạn liên tưởng đến ai, đến hoàn cảnh nào, đến thời điểm nào,… việc liên kết chuỗi sự kiện thực tế sẽ giúp bạn dễ ghi nhớ ý nghĩa lá bài, đồng thời bạn tự biết cách sáng tạo luôn cả thông điệp cần thiết.
- Chọn một lá bài Tarot ứng với lá bài Oracle: lâu lâu sẽ có một số bộ bài Oracle tập trung nhiều ý nghĩa tương ứng với Tarot. Việc này sẽ giúp bạn ghi nhớ lại ý nghĩa của các lá bài Tarot, đồng thời có cơ sở để tự sáng tạo ý nghĩa, thêm vào hoặc thay đổi một chút so với lá bài Tarot tương ứng.
- Phân tích những vấn đề xoay quanh thông điệp: đặt câu hỏi cho lá bài Oracle bạn nhận được rằng vì sao bạn nhận được thông điệp này, bạn cảm thấy lá bài ấy đem đến cho bạn cảm giác gì, bạn có nhận thấy được chúng đang ứng với bạn hay không và chúng ứng như thế nào. Khi bạn phân tích rõ vấn đề này, nhận thức của bạn sẽ cho bạn thông tin để về sau khi lá bài này xuất hiện, bạn sẽ hiểu được thông điệp của lá bài này là gì và tự phát triển nó theo khuôn khổ mà bạn đã từng tự phân tích.
- Rút bài kết hợp với Tarot để liên kết thông điệp
Chắc có lẽ đây là cách mà hầu hết các bạn đều đã hoặc đang làm, điển hình là những bạn thực hiện “Chọn 1 tụ bài”. Khi bạn muốn nâng cao khả năng sử dụng bài Oracle và bạn thì đã có đủ nền tảng về kiến thức cũng như thực hành Tarot, bạn nên bắt đầu rút bài kết hợp với nhau và phân định những giá trị mà bộ bài đem lại khi sử dụng chúng cùng nhau.
Lúc này, mọi thứ sẽ giống như một trò phân vai, bạn bắt đầu sử dụng kết hợp bao nhiêu bộ Tarot – Oracle thì tùy ở bạn, miễn sao trong một phiên trải bài, bạn cần phải thỏa hai trong số những bộ bài bạn dùng có cả Tarot lẫn Oracle. Bạn sẽ bắt đầu phân theo “vai vế” cho các bộ bài như sau (theo ý kiến cá nhân của mình và bạn có quyền sắp xếp các bộ bài theo vai nào cũng được):
- Những bộ phân tích vấn đề: thường thì sẽ tập trung vào Tarot hoặc những bộ bài Oracle có thể sử dụng được cho nhiều chủ đề khác nhau. (VD: Wisdom of The Oracle Divination Cards)
- Những bộ đưa ra thông tin: thường thì sẽ tập trung vào Tarot là chính vì Tarot thường đưa ra nhiều thông tin quan trọng về hoàn cảnh, về con người và về góc nhìn, quan điểm nhận định một số vấn đề.
- Những bộ tiên tri: thường thì sẽ tập trung vào Tarot hoặc Oracle có liên quan đến tiên tri, dự đoán tương lai. (VD: Madame Endora’s Fortune Cards)
- Những bộ cho lời khuyên/thông điệp: thường sẽ tập trung vào Oracle vì tính truyền tải nội dung của Oracle rất tốt, dễ liên kết và đủ để giải quyết khúc mắt trong bạn.
Bạn có thể thấy, sử dụng kết hợp bằng cách phân vị trí cho các bộ bài Oracle sẽ giúp bạn đọc đúng vị trí cần đọc, ngoài ra còn hiểu rõ thông điệp đó sẽ xuất hiện khi nào, đúc kết những thông điệp cần thiết trong một số trường hợp khác nhau. Sử dụng bài Oracle kết hợp với bài Tarot cũng là cách nâng cao khả năng đọc bài lẫn liên kết thông điệp với nhau, bạn sẽ chắc chắn hơn về những điều bản thân cần nói. Thông điệp xuất hiện càng giống nhau, chứng tỏ điều đó là điều bạn thật sự cần nghe.
- Tìm hiểu mục đích sử dụng các bộ bài Oracle của bản thân bạn
Ngay lúc này, hãy tự hỏi bản thân rằng mục đích sử dụng bài Oracle của bạn là gì? Nếu bạn khai thác được khía cạnh này ngay từ đầu, bạn sẽ dễ dàng chọn đúng bộ bài phù hợp với khả năng của bạn, và từ đó bạn cũng dễ dàng xác định được khả năng của bản thân đến đâu khi bạn chọn đúng bộ bài Oracle yêu thích.
Sau đây, mình sẽ liệt kê những dạng câu hỏi để tự đặt cho bản thân trong trường hợp bạn không xác định được bạn phải tìm kiếm mục đích của bộ bài Oracle như thế nào:
- Bạn yêu thích nét đồ họa nào: đôi lúc bạn chỉ cần chọn đúng bộ bài có thể làm thỏa mãn tầm nhìn nghệ thuật của bạn trước. Nhìn bộ nào mà có cảm hứng thì cũng dễ học hơn về sau.
- Bạn muốn tìm hiểu kiến thức nào: Mỗi bộ bài sẽ chứa đựng một hay nhiều kiến thức nào đó mà bạn mong muốn được tiếp cận và khám phá. Hãy chọn bộ bài mang đến cho bạn đúng kiến thức bạn muốn học.
- Bạn muốn bộ bài mang chủ đề gì: Mỗi bộ bài sẽ có một chủ đề riêng biệt, và về sau này có khi bạn sẽ luôn chọn những bộ bài theo đúng chủ đề bạn thích. Chủ đề cũng làm nổi bật lên mục đích sử dụng bộ bài.
- Bạn thích bộ bài đem lại cho bạn những câu trả lời như thế nào: Mỗi bộ bài cũng sẽ có cách truyền tải thông điệp khác nhau, bạn thích sự đơn giản, nhanh gọn lẹ hay thích ngâm cứu lâu dài chuyên sâu.
- Bạn thích bộ bài đem lại cho bạn giá trị gì: Sau khi sử dụng xong, bạn mong muốn bản thân nhận được điều gì từ bộ bài đó, bộ bài tạo nên những giá trị về những định hướng sự nghiệp, tình cảm hay cuộc sống tinh thần.
Xác định mục đích sử dụng bài Oracle có thể sẽ khá trừu tượng vì hầu như lúc lựa chọn bộ bài phù hợp, bạn sẽ không thể liên tưởng ngay những câu hỏi để hệ thống hóa điều phù hợp nhất với bạn. Nếu bạn cảm thấy muốn chọn bộ bài Oracle hay sử dụng bài Oracle một cách “tùy duyên”, hãy cứ đến shop bán bài hoặc xem trước trên mạng để xác định bộ bài bạn muốn mua, cảm nhận sự kết nối của bản thân dành cho bộ bài đó.
III/ Kinh Nghiệm Khi Sử Dụng Các Hình Thức Tiên Tri Khác
- Đối với bài Lenormand/Kipper
Mình tự nhận là mình không quá chuyên sâu về Lenormand, nên việc truyền đạt kinh nghiệm cũng chỉ nên xem là “mang tính chất tham khảo” thôi. Đối với Lenormand/Kipper, mình có một số kinh nghiệm khi sử dụng như sau:
1. Lựa chọn những bộ Lenormand truyền thống (36 lá bài)
Hiện tại, Lenormand cũng bắt đầu xuất hiện những bộ bài dựa theo nguyên mẫu của hệ thống Gypsy (Maybe Lenormand) hoặc những bộ bài có nhiều lá bài thêm vào tạo sự phong phú và khác biệt cho Lenormand (Gilded Reverie Lenormand có thêm nhiều lá bài khác). Nếu bạn là người mới bắt đầu, việc lựa chọn những bộ bài không theo truyền thống sẽ khiến bạn không tập trung đúng vào trọng tâm chính đó là học thuộc ý nghĩa 36 lá bài truyền thống của Tarot.
Mình thấy việc bạn chọn cho mình một bộ bài đơn thuần chỉ có 36 lá bài thuộc hệ thống Lenormand truyền thống (Pixie’s Astounding Lenormand, Lenormand Oracle, Easy Lenormand) thì bạn sẽ chỉ giải bài dựa trên tần suất xuất hiện các lá bài Lenormand truyền thống thôi. Khi đó, bạn sẽ không phải học thêm các lá bài mở rộng, đồng thời nắm bắt kỹ càng và cụ thể hơn cho những lá bài truyền thống, đủ cho bạn có kiến thức để giải bài Lenormand chuyên nghiệp.
2. Tự hiểu ý nghĩa của các biểu tượng trong hệ thống Lenormand
Học biểu tượng không hẳn là khó, chỉ là đôi lúc bạn suy luận xa vời hơn mức thông thường, ngoài ra bạn cũng có thể dễ hiểu sai ý nghĩa vì đôi lúc một biểu tượng mang nhiều hơn một hoặc hai ý nghĩa đơn thuần. Tuy nhiên, kinh nghiệm này mình đã từng thử và đạt hiệu quả đến bất ngờ, đó là bạn sẽ tự hiểu ý nghĩa của các biểu tượng Lenormand theo cách hiểu sơ khai của bạn.
Với cách thức này, bạn cần phải áp dụng cho việc thực hành giải bài Lenormand. Mỗi biểu tượng chắc chắn luôn mang một ý nghĩa nào đó. Mình ví dụ nhé, biểu tượng con chó bạn thường liên tưởng đến những từ khóa hay hình ảnh nào? Có phải đối với bạn, chó giống như một người bạn thân của mình không, một người mà mình cực kỳ tin tưởng và không bao giờ sợ sẽ bị phản bội. Từ đó, bạn sẽ rút ra được ý nghĩa biểu tượng của con chó trong Lenormand sẽ là “người bạn thân”, “trung thành”, “thiện lành”. Hoặc với biểu tượng đám mây, khi bạn thấy mây đen bạn có cảm giác gì? Bất an? Không an tâm, lo lắng? Vậy đút kết lại thì đám mây trong Lenormand sẽ đại diện cho “sự không chắc chắn”, “mờ ảo”.
Cách này tương đối đơn giản để bạn học Lenormand nhanh chóng và có thể tự phát triển khả năng đọc bài của mình. Trong trường hợp bạn không phải là người giỏi tưởng tượng hay phân tích “văn chương” thì bạn có thể tạm bỏ qua cách này, vì thực tế thì mình vẫn khuyến khích các bạn nên đọc sách cho nó có nền tảng vững chắc.
3. Giải bài Lenormand/Kipper liên tục và không kết hợp với bất cứ bộ bài nào khác
Nghe qua kinh nghiệm này thì thấy đúng là hơi ngược lại so với việc sử dụng Tarot/Oracle đúng không? Lý do mình nói rằng bạn không nên sử dụng kết hợp là vì khi bạn giải bài Lenormand/Kipper kết hợp với Tarot/Oracle, bạn sẽ dễ giải bài theo sự điều hướng của bộ bài Tarot/Oracle hơn là tập trung diễn giải vấn đề theo Lenormand/Kipper. Điều đó sẽ làm giảm giá trị của bộ bài, đồng thời bạn cũng không nắm rõ ý nghĩa biểu tượng là gì.
Hãy thử giải bài Lenormand/Kipper một cách độc lập, riêng biệt hoặc chỉ kết hợp Lenormand và Kipper với nhau, tuyệt đối đừng kết hợp thêm bộ bài nào khác. Một khi bạn chọn tập trung vào các biểu tượng, khai thác triệt để ý nghĩa về mặt tiên tri, thông điệp lẫn những định hướng cần thiết, bạn sẽ thấy Lenormand/Kipper hoàn toàn có thể đem đến một phiên trải bài hoàn hảo, đầy đủ tất cả những thông tin cần thiết cho bạn. Thay vì kết hợp quá nhiều bộ, hãy để Lenormand/Kipper được tỏa sáng một mình, được vận dụng đúng khả năng của chúng!
4. Học cách nhìn ra vấn đề – hướng giải quyết – kết quả tương lai
Có nhiều bạn cho rằng bài Lenormand/Kipper chỉ dùng để tiên tri thôi. Điều đó không hẳn là sai, nhưng nếu chỉ tiên tri và tiên tri thôi thì có phải bạn đang đánh giá bộ bài Lenormand/Kipper quá vô tri không? Lenormand/Kipper cũng có thể giúp bạn chiêm nghiệm hiện tại, nhìn nhận những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống của bạn đấy, chỉ là bạn chưa bao giờ vận dụng đúng bộ bài thôi.
Theo ý kiến của mình, việc bạn vận dụng học tập Lenormand/Kipper theo phương pháp vấn đề – hướng giải quyết – kết quả tương lai sẽ giúp bạn hiểu tối đa ý nghĩa biểu tượng trong Lenormand/Kipper cho mọi trường hợp. Để ví dụ cho các bạn về phương pháp này, mình sẽ đưa ra một case study để giúp bạn hiểu cách vận dụng nhé:
Câu hỏi: Trong thời gian sắp tới, tôi có gặp được “tình yêu đích thực” của mình?
Trải bài bạn nhận được: Heart – Dog – Sun
Giải đáp trải bài:
- Vấn đề (tập trung diễn giải những tình huống đang diễn ra ở hiện tại): hiện tại, bạn đã có đủ những điều cần thiết trong cuộc sống, nên việc tìm kiếm, mong đợi một tình yêu mới cũng giống như bạn khao khát một tình yêu thật đẹp đẽ và viên mãn, lấp đầy khoảng trống trong tim (Heart). Và có vẻ như bản thân bạn cũng hoàn toàn thoải mái, vô tư với câu hỏi này (Dog) do hiện tại, cuộc sống của bạn cũng đã an yên, vui vẻ rồi (Sun).
- Hướng giải quyết (tập trung diễn giải cách thức để thay đổi hiện tại): có vẻ như bạn cần phải cho đi nhiều hơn, kết bạn nhiều hơn (Heart + Dog), nó giống như quy luật cân bằng vậy, nếu mong muốn tìm kiếm những đối tượng mới, bạn phải cởi mở với mọi người, mở rộng vòng tay chào đón họ đến với mình (Heart + Sun). Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ cực kỳ thu hút những đối tượng sẵn sàng dành thời gian tìm hiểu bạn (Dog + Sun).
- Kết quả tương lai (tập trung diễn giải kết quả sẽ diễn ra trong tương lai): câu trả lời dành cho bạn là có, bởi vì nếu bạn chọn yêu thương bản thân thật nhiều, bạn sẽ tìm được một ai đó sẵn sàng yêu thương bạn thật lòng, như cách bạn đã đối đãi với chính bản thân mình. Đối tượng này có thể là một người bạn của bạn (Dog) và họ là người bạn mới gặp, quen biết về sau (Dog + Sun) nhưng lại có những kết nối rất đồng điệu về mặt tâm hồn (Heart).
Như các bạn thấy, mình vừa mới thử ghép các lá bài Lenormand vào đúng 3 trường hợp, và đúng là bài Lenormand có thể cho bạn đủ tất cả thông tin bạn cần, từ một câu hỏi có – không mà bạn đã có thể diễn giải ra nhiều vấn đề như vậy rồi. Đối với thể loại bài như Lenormand/Kipper, mình luôn khuyến khích các bạn đặt câu hỏi thật chi tiết và hãy áp dụng phương pháp trên nhé, biết đâu bạn giải bài nhiều thì sẽ lên tay nghề đấy!
- Đối với bài I Ching (Kinh Dịch)
Cách sử dụng bài I Ching cũng tương đối khác so với việc bạn tung đồng xu để xét các hào, nó nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải trường hợp bị lẫn lộn các nền văn hóa sử dụng ngôn ngữ tiên tri (do sử dụng bài thuộc văn hóa phương Tây nhiều hơn, phương Đông thì xét quẻ) thì mình sẽ đưa ra một số kinh nghiệm để bạn có thể tự học xem bài I Ching:
1. Hãy xem bộ bài I Ching như một bộ bài Oracle thông thường
Có nhiều bạn từng hỏi mình rằng nếu rút quẻ dịch thông qua bài I Ching thì sẽ xét quẻ chính – quẻ hỗ – quẻ biến như thế nào. Khi bạn sử dụng bài I Ching, hãy xem bộ bài này như những bộ bài Oracle khác – bạn chỉ đơn thuần là rút bài và giải trên những lá bài bạn nhận được, không cần phải cố gắng pha trộn giữa hai cách thức lại với nhau.
Điển hình như những bộ bài sử dụng Kinh Dịch làm nền tảng để làm ra bộ bài Oracle như Tao Oracle, bạn chỉ nên sử dụng bộ bài này như một bộ Oracle, mỗi lá bài sẽ là một ý nghĩa riêng biệt, khi rút kết hợp sẽ cho ra những tổ hợp mới, không nhất thiết phải xét quẻ theo các cấp độ, suy luận từ quẻ chính để ra được hai quẻ còn lại. Nếu bạn muốn tiếp cận bài I Ching dễ dàng thì hãy sử dụng một phương pháp thôi, vì sử dụng sao cũng sẽ cho ra đúng kết quả bạn cần.
2. Đọc thêm nhiều đầu sách về quẻ dịch của I Ching
Nhiều bạn thích sử dụng bài I Ching nhưng sách hướng dẫn cho các bộ bài I Ching đều là sách tiếng anh, bạn cảm thấy khó khi sử dụng? Bạn quên là Kinh Dịch phổ biến hơn ở phương Đông hơn là phương Tây à? Các đầu sách Kinh Dịch tại Việt Nam không hề thiếu, thậm chí những kiến thức bạn cần hơn cả mong đợi đều có sẵn ở nhà sách đấy, tìm và đọc thôi!
Đọc sách Kinh Dịch thật sự cần một thời gian dài để nghiên cứu, vì sách muốn bạn hiểu rõ nguồn gốc của quẻ Dịch và cách ứng dụng vào thực tế. Chính vì vậy, nếu bạn muốn theo đuổi lâu dài trong việc sử dụng bài I Ching, một cách nào đó bạn nên sở hữu ít nhất một quyển sách Kinh Dịch để ngâm cứu và áp dụng thực tế về sau. Bạn có thể thử tham khảo các đầu sách như sau: Kinh Dịch Trọn Bộ; Kinh Dịch: Đạo của Người Quân Tử; Ứng dụng Kinh Dịch Trong Đời Sống và Kinh Doanh. Mình đánh giá cao cách luận giải quẻ dịch từ mấy cuốn này!
3. Hiểu ý nghĩa của quẻ dịch ở mức độ đơn giản nhất
Quẻ dịch muốn luận giải một cách chi tiết thì bạn phải cần rất nhiều thứ và luôn dành khoảng thời gian dài để hiểu hết nguyên lý cũng như cách vận dụng quẻ dịch vào đời sống. Tuy nhiên, khi bạn sử dụng bài I Ching, đừng phân tích quẻ dịch quá chi tiết vào thời điểm mới học, cũng đừng nhảy vào đọc kiến thức quá chuyên sâu và hàn lâm. Hãy hiểu quẻ dịch theo cách đơn giản nhất.
Để ví dụ cho thông tin này, mình bắt đầu giải quẻ theo cách đơn giản nhất nhé:
Câu hỏi: Công việc làm ăn của tôi trong thời gian sắp tới sẽ như thế nào?
Quẻ dịch bạn nhận được: Quẻ số 5 – Thủy Thiên Nhu (Waiting)
Giải đáp: Thời điểm cần sự kiên trì, nhẫn nại vượt qua mọi gian nan. Không tự mình đưa ra quyết định quan trọng, không nên thực hiện gì vào thời điểm này, nếu gặp khó khăn hay bức xúc hãy nhún nhường, bỏ qua mọi sự tiêu cực xoay quanh mình để cho qua thời điểm này.
Như bạn thấy với quẻ dịch trên, quẻ Thủy Thiên Nhu thực chất chỉ cần hiểu đơn giản là “kiên nhẫn”, “chờ đợi”. Và khi bạn hiểu quẻ dịch này ở mức độ đơn giản nhất, bạn sẽ bắt đầu phát triển thông tin về quẻ dịch này. Tại sao lời khuyên lại dành cho bạn lại là hãy kiên nhẫn? Vấn đề nằm ở đâu khi bạn cần phải kiên nhẫn? Phải chăng hiện tại bạn đang quá vội vàng trong suy nghĩ và dễ dàng lạc lối, đưa ra những quyết định sai lầm? Hiểu quẻ dịch ở mức đơn giản sẽ hỗ trợ bạn nắm rõ kiến thức Kinh Dịch hơn, từ từ mới bắt đầu mở rộng kiến thức chuyên môn sau.
- Đối với bài Tea Leaf (Bài Trà)
Bài trà (hay còn gọi là bài Tea Leaf) có lẽ đã quá quen thuộc với tất cả mọi người. Ai cũng thích được trải những thẻ bài hình tròn nhỏ nhắn xinh xắn ra, rồi từ từ rút từng lá bài để giải đáp những vấn đề thuộc về tiên tri. Hiện tại, bài trà cũng được xem là đơn giản để tiếp cận nhất rồi nên việc chia sẻ kinh nghiệm cũng khá là “dư thừa”, dù vậy thì mình vẫn cảm nhận đâu đó sẽ có bạn cần đến những lời khuyên này để sớm có được những trải nghiệm tốt nhất đối với bài trà:
1. Có nền tảng hiểu biết về các biểu tượng tiên tri để dễ dàng sáng tạo liên kết lá bài
Cũng giống như Lenormand/Kipper, hiểu được biểu tượng sẽ giúp bạn phần nào diễn giải thông tin trong trải bài một cách trơn tru, có thể nhìn ra được những vấn đề mà không phải ai cũng thấy được. Hiểu biết các biểu tượng càng nhiều, bạn sẽ càng mở rộng nhiều thông tin để giải bài tốt hơn.
Ngoài ra, bạn càng hiểu rõ biểu tượng thì khi bạn giải bài trà, những thông tin trong lá bài cung cấp sẽ không quá đủ, và khi đó bạn bắt buộc phải sáng tạo, biến hóa theo trải nghiệm cá nhân của bạn. Đó là một lợi thế mạnh mẽ và nó cũng sẽ giúp ích cho bạn trong những việc khác như giỏi hình dung vấn đề, liên kết các lá bài khác biệt hơn để tạo ra một câu chuyện riêng để tiên tri cụ thể vấn đề hơn.
2. Chọn trải bài tổng quan 1 tháng, cả năm thay vì giải freestyle
Bài trà chỉ nên dùng một trải bài cụ thể hơn là rút freestyle, đây là điều mình khuyến khích chứ không hẳn mang tính kêu gọi, ép buộc mọi người dùng trải bài. Có một thời gian, khi mình sử dụng bài trà theo cách “muốn rút sao thì rút” và mình nhận ra rằng trải bài sẽ khá mơ hồ, không rõ ràng về vị trí, thứ tự xuất hiện cũng như khó mà ghép các thông điệp lại với nhau hơn.
Nếu bạn đã có trong tay bộ bài trà, bạn có thể áp dụng những trải bài trong sách hướng dẫn đưa ra, đảm bảo hiệu quả. Những lá bài trà cần được rút một cách có ý nghĩa, đúng số lượng các biểu tượng để bạn có thể tạo nên thông điệp sao cho phù hợp. Nếu bạn rút freestyle nhiều, trải bài của bạn sẽ dễ lan man trong một khoảng thời gian, xem không rõ vấn đề. Mình khuyến khích dùng bài trà nên có trải bài cụ thể.
Mình hy vọng bài viết chia sẻ kinh nghiệm đọc bài của mình sẽ hỗ trợ các bạn được phần nào trong hành trình học tập, chiêm nghiệm Tarot – Oracle, đặc biệt là với các bạn mới bắt đầu tiếp cận bộ môn này.
Hiếu Nguyễn