Điều Reader Nên Làm Sau Khi Kết Thúc Phiên Đọc Bài
Kết thúc một phiên trải bài cho khách hàng là chúng ta lại có thói quen lao vào những công việc thường ngày hoặc cầm ngay điện thoại lên và lướt Facebook. Khoan đã nào bạn ơi! Vì mỗi trải bài là một thông điệp, mỗi khách hàng là một câu chuyện đối với cả chúng ta – những người đọc bài. Do đó, bạn có thể cân nhắc thực hiện những điều dưới đây sau khi kết thúc phiên trải bài để không bỏ lỡ những điều hay mà trải bài mang lại cho bạn.
1. Đóng không gian đọc bài
Một số trong chúng ta có thói quen để nguyên bài, đá lẫn khăn y như lúc xem bài cho khách dù đã kết thúc trải bài, cho đến khi có khách tiếp theo đến thì mới thu bài lại để chuẩn bị…. trải ra tiếp. Điều này có thể làm cho bộ bài cùng không gian đọc bài bị ảnh hưởng bởi những nguồn năng lượng không tốt do khách hàng trước hoặc môi trường xung quanh để lại, nhất là đối với trường hợp xem bài tại các hội chợ hoặc sự kiện. Những năng lượng xấu đó có thể tác động đến bạn trong phiên đọc bài sau, làm trải bài của bạn mang hiệu quả thấp hơn. Đồng thời, chúng ta cũng không thể tránh khỏi trường hợp có ai đó lỡ tay làm đổ nước hoặc thức ăn lên trải bài, hay đơn giản chỉ là một cơn gió vô tình thổi qua cũng có thể làm cho những lá bài “mất tích”.
Thời điểm bạn lấy bộ bài ra khỏi túi để thực hiện trải bài là bạn đã mở ra cho mình một không gian cá nhân để đọc và giải bài. Thế nên sau khi phiên trải bài kết thúc, bạn cũng nên xếp lại bài cùng khăn trải, tốt hơn nữa là thanh tẩy bộ bài của bạn. Quá trình này không chỉ giúp bạn đóng lại không gian đọc bài của mình mà còn cho bạn thời gian để thư giãn và cân bằng lại trạng thái cảm xúc của mình. Nếu bạn không quá chú trọng vấn đề năng lượng hay cảm xúc trong trải bài thì cũng đừng quên xếp và bảo quản bộ bài thật kỹ sau khi trải bài, để mất lá hay để đồ ăn thức uống bám lên lá bài thì thật tiếc lắm đó.
2. Tương tác với khách hàng
Câu chuyện của bạn và khách hàng không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc bạn giải nghĩa các lá bài cho khách mà bạn cũng có thể cải thiện kỹ năng đọc bài thông qua việc tương tác cùng khách hàng của mình. Sau khi xếp lại bộ bài, bạn có thể đề nghị khách hàng dành chút thời gian để hỏi về cảm nhận của họ trước và sau khi xem bài, cách họ nghĩ về bạn, về trải bài, và những gì họ nghĩ là bạn cần thay đổi hoặc cải thiện để có thể làm tốt hơn trong lần tiếp theo.
Phản hồi của họ là những đóng góp tuyệt vời cho bạn nhìn lại chính mình và trở nên chuyên nghiệp hơn trong việc xem bài. Bạn có thể chọn tiếp thu góp ý đó hoặc không, nhưng ít nhất bạn sẽ biết được phong cách đọc bài như thế nào là phù hợp với họ. Biết đâu một ngày nào đó họ quay lại, bạn sẽ làm họ hài lòng hơn khi bạn nhớ và đáp ứng được điều họ cần ở bạn thì sao? Ngoài ra, bạn có thể hiểu hơn về họ thông qua việc trò chuyện, những chia sẻ từ họ chính là vốn sống cực kỳ quý báu dành cho bạn và là kinh nghiệm để bạn có thể dễ dàng nắm bắt được những tình huống tương tự trong những lần trải bài sau.
3. Ghi chép lại những điểm quan trọng
Ghi chép là một bước quan trọng nhưng hầu như chúng ta đều không để ý đến vai trò của việc ghi chép nên ta thường hay bỏ qua bước này sau mỗi lần đọc bài. Hãy dành thời gian ngồi lại và ghi chép những mục bên dưới vào sổ tay hoặc nhật ký Tarot của bạn nhé, vì mỗi phần đều có ích cả.
- Tóm tắt vấn đề và kết quả trải bài: Ghi lại những lá bài xuất hiện trong trải bài cùng cách giải của bạn để bạn có cơ sở tra cứu về sau. Khi vị khách đó quay lại thì bạn cũng điểm lại được là mình đã từng xem cho họ những gì và như thế nào, nhất là trong trường hợp họ muốn xem lại một vấn đề mà bạn đã trải bài cho họ cách đó khá lâu. Bên cạnh đó, đây cũng là cách bạn tham khảo lại những mặt nghĩa để tự trau dồi thêm cho bản thân.
- Cảm nhận của khách hàng: Khách hàng của bạn có hài lòng với giải bài của bạn không, tâm trạng của họ đã thay đổi như thế nào sau trải bài,… Như chúng ta đã đề cập ở trên, phản ứng của khách hàng sẽ luôn là căn cứ để bạn xem xét thay đổi phong cách đọc bài của mình sao cho phù hợp với tâm lý của từng đối tượng khách hàng nhất có thể.
- Điều bạn làm tốt và chưa tốt ở trải bài này: Bạn có thể ghi nhận lại mục này với cái nhìn từ hai phía – bạn và khách hàng. Đó có thể là những điều bạn cảm thấy hài lòng ở chính mình cũng như những lời khen, lời góp ý của khách hàng dành cho bạn, và cả những điểm bạn thấy mình còn hạn chế trong việc giải bài như là bạn có lỡ “quên” ý nghĩa lá nào đó, hay là bạn đã lỡ lời làm khách hiểu sai ý bạn muốn truyền tải,…
- Bài học bạn rút ra được từ trải bài: Cây đinh của việc ghi chép nằm ở đây. Tại phần này, bạn sẽ tổng hợp lại hết tất cả những điều ở trên và liệt kê những bài học mà bạn chiêm nghiệm được cho cá nhân mình. Đôi khi ta cũng có thể rút ra được vài “triết lý nhân sinh” thông qua vài câu nói từ khách hàng thì sao? Rồi đây bạn sẽ cảm ơn chính mình và những vị khách vì những bài học ấy.
Không cần dài dòng văn tự hay lê thê cảm xúc, chỉ vài gạch đầu dòng với những từ khóa chính là bạn đã ghi lại được những điều mình cần lưu tâm đến rồi.
Đó là những lý do khiến những hoạt động sau khi kết thúc một trải bài trở nên quan trọng. Chẳng có trường lớp nào có thể dạy tất cả những thứ bạn học được từ khách hàng hay từ trải bài của mình, duy chỉ có việc thực hành và trải nghiệm mới có thể mang lại cho bạn những bài học như thế. Nhưng những trải nghiệm đó có trở thành thành kinh nghiệm cho bạn hay không thì tất cả vẫn còn tùy thuộc vào bạn.
Phan Huỳnh Ngọc Trúc